Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 9/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mức 70,77 USD/thùng, giảm 3,04 USD, tương đương 4,1%. Còn Brent giảm 2,64 USD, tương đương 3,4%, xuống mức 76,12 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, cả dầu Brent và WTI đều tăng nhẹ. Bất chấp những lo ngại về nguồn cung do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông, việc nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cắt giảm giá mạnh và sản lượng của OPEC tăng trong tháng 12/2023 đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 3% tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần (8/1).
Cả hai hợp đồng dầu tiêu chuẩn này đều tăng hơn 2% trong tuần đầu tiên của năm 2024 do rủi ro địa chính trị ở Trung Đông gia tăng sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ. Nguồn cung gia tăng và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác đã khiến Saudi Arabia ngày 7/1 quyết định giảm 2 USD giá bán chính thức sang châu Á trong tháng 2 của dầu thô Arab Light xuống còn 1,5 USD/thùng – mức thấp nhất trong 27 tháng.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận xét quyết định giảm giá của Saudi Arabia làm tăng mối lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc cũng như nhu cầu toàn cầu.
“Thị trường chứng khoán đã có một khởi đầu yếu kém trong năm nay và tin tức từ Saudi Arabia khiến mức đáy sụp đổ”, Flynn cho biết. Kết quả cuộc khảo sát của Reuters hôm thứ 6 tuần trước cho thấy sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 12-2023 do sự gia tăng sản lượng ở Angola, Iraq và Nigeria bù đắp cho việc cắt giảm liên tục của Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+. Sự tăng sản lượng này diễn ra trước các đợt cắt giảm tiếp theo của OPEC+ trong quý I-2024 và khi Angola bắt đầu rời OPEC từ năm nay, các yếu tố được cho là sẽ làm giảm sản lượng và thị phần trong tháng 1.
Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết nếu chỉ tập trung vào các yếu tố cơ bản, bao gồm tồn kho cao hơn, sản lượng của OPEC/ngoài OPEC cao hơn và giá bán dầu của Saudi Arabia thấp hơn dự kiến, thì sẽ không thể có điều gì khác ngoài việc giá dầu thô giảm.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích này, sự giá giá của dầu đang không tính đến thực tế là căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông chắc chắn đang gia tăng trở lại. Trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Gaza lan rộng ra toàn khu vực, ngày 8-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có nhiều cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Arab.
Xung đột giữa Israel và Hamas đã làm gia tăng bạo lực ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, Lebanon, Syria và Iraq, đồng thời dẫn đến các cuộc tấn công của Houthi vào các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ.
Trong khi đó, hạn chế đà trượt dốc của giá dầu là tuyên bố tình trạng bất khả kháng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya tại mỏ dầu Sharara, nơi có thể sản xuất tới 300.000 thùng/ngày. Tình trạng bất khả kháng này có hiệu lực từ 7/1.